Người Mục Tử và con chiên đi lạc trong tin mừng Mát-thêu 18,12-24

  1. Dẫn Nhập

Con người chẳng ai là thập toàn thập mỹ. Lắm lúc trong cuộc sống của chúng ta vướng mắc nhiều lỗi lầm và đi sai đường lạc lối. Đôi khi chúng ta tự nhận ra và biết cách quay đầu, nhưng đôi khi chúng ta cần đến một người nào đó hướng dẫn và chỉ cho cách quay trở về. Trong đời sống thường ngày và trong đời sống tâm linh đều có hai khía cạnh này. Đoạn Tin Mừng Mt 18,12-14 mà chúng ta phân tích dưới đây được xem như một việc làm cụ thể của một người mục tử. Ở đây, một lần nữa ta lại thấy một sự điên rồ mà Đức Giê-su muốn chia sẻ. Và đối với tư tưởng của nhiều nhà thần học hay những quan niệm của nhiều người thì các hành động của Đức Giê-su là những hành động điên rồ toàn tập. Nói như thế để chúng ta thừa nhận rằng hành động của Đức Giê-su mang tính cách trên sự hiểu biết của con người, vì những hành động ấy thường đi ngược các quan niệm đã bị đóng khung vốn có.

Dụ ngôn con chiên lạc là một minh chứng cho hành động điên rồ này của Đức Giê-su. Khi Ngài kể về một con chiên đi lạc trong bầy 100 con, và người mục tử đã bỏ lại 99 con mà đi tìm con bị bị lạc đàn. Và đây cũng chính là ý nghĩa mà Đức Giê-su muốn trao gửi cho cộng đoạn và những người phụ trách (người mục tử, địa vị và chức tước cao, những người đại diện cho Giáo Hội trần gian) về cách ứng xử đối với những người sai lầm lạc lối, những người bé mọn.[1] Đây cũng là một thách đố đối với những người mục tử ngày hôm nay. Và bài viết này, chúng ta tìm hiểu hơn về sứ vụ của người mục tử, mà Đức Giê-su mời gọi và hướng dẫn cho họ trên con đường trở nên người mục tử như lòng Chúa ước mong. Qua Các Sách Tin Mừng, ta nhận ra Ngài là hình ảnh của người mục tử chân chính, đã từ một Ngôi vị Thiên Chúa, xuống thế làm người để mặc lấy xác phàm và mang tội để cứu chuộc con người. Và Ngài đã vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên thập giá. Ngài đã xuống thế gian để tìm kiếm dù duy nhất một con chiên nhỏ bé đi lạc, nghĩa là cho loài người đang xa rời sự hiệp nhất.[2]

  1. Bối Cảnh Và Cấu Trúc
  2. Bối cảnh

Đoạn Tin Mừng ngắn Mt 18,12-14 là một phần nhỏ nằm trong bài diễn từ của Đức Giê-su về Giáo Hội, chương 18[3]. Chương này gồm những lời giảng của Đức Giê-su liên quan đến đời sống cộng đoàn các môn đệ, để trả lời câu hỏi: “Ai là người lớn nhất trong Nước Trời?” (Mt 18,1-4). Sau đó, Đức Giê-su dặn dò các môn đệ: “Đừng làm cho người ta sa ngã” (Mt 18,5-9), “Đừng khinh thường những kẻ bé mọn” (Mt 18,10-11). Tiếp đến là dụ ngôn “Một con chiên bị lạc trên núi” (Mt 18,12-14), sau đó là giáo huấn về sửa lỗi anh em (18,15-18).v.v… Như thế, bối cảnh đoạn văn Mt 18,12-14 là những giáo huấn của Đức Giê-su về đời sống và cách xử sự trong cộng đoàn Hội Thánh, cụ thể là cộng đoàn Mát-thêu. Đề tài chính trong Mt 18,12-14 là muốn nói đến vai trò của mục tử đối với đàn chiên. Dĩ nhiên, đề tài về mục tử và đàn chiên không phải là duy nhất trong Tin Mừng Mát-thêu. Nhưng, Tin Mừng Lu-ca (x. Lc 15,1-7) cũng nói đến về hai hình ảnh này (mục tử và con chiên lạc) với góc nhìn về lòng thương xót của Thiên Chúa, nghĩa là dụ ngôn này để biện minh cho lý do việc Đức Giê-su ngồi chung bàn với tội nhân. Còn với Tin Mừng Mát-thêu thì lại ở một góc nhìn khác về mặt giáo huấn, hay tư tưởng mang một góc nhìn rộng hơn, đó là ngay cả những những người đi lạc đường, cũng cần phải đi tìm về.[4] Cho nên đoạn Tin Mừng nằm trong diễn từ của Đức Giê-su về Giáo Hội nhằm muốn nổi bật giáo huấn đối với những người có trách nhiệm trong cộng đoàn…

  1. Cấu trúc

Đoạn Tin Mừng Mt 18,12-14 là sự nối kết của đoạn trước Mt 18,10-12. Đức Giê-su dặn dò các môn đệ: “Đừng khinh thường những kẻ bé mọn” (18,10) và nói đến sự “hư mất” (18,11), như thế cần đọc chung Mt 18,12-14 với 18,10-11 sẽ dễ hiểu ý của bản văn hơn.[5]

Mt 18,10-11: “10Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này; quả thật, Thầy nói cho anh em biết: các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. [11Vì Con Người đến để cứu cái gì đã hư mất].”  (Câu 11 để trong ngoặc vuông [ ] vì không có trong các thủ bản cổ).

Sự liên kết từ ngữ và ý tưởng giữa Mát-thêu 18,10-11 và 10,12-14 được thể hiện qua cấu trúc sau đây:

Cấu trúc Tin Mừng Mát-thêu 18,10-14

A. Mt 18,10: “Chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này”

B. Mt 18,11: “Con Người đến để giải cứu cái gì đã hư mất”

C. Mt 18,12-13: “Dụ ngôn con chiên lạc”

A’. Mt 18,14a: “Cha không muốn một ai trong những kẻ bé mọn này”

B’. Mt 18,14b: “phải hư mất”

 

Cấu trúc song song trên cho thấy “dụ ngôn con chiên lạc”  đặt ở trọng tâm (C), để minh họa cho chủ đề chung của đoạn văn: Giáo huấn của Đức Giê-su về cách cư xử trong cộng đoàn đối với “những kẻ bé mọn” (A // A’). Đồng thời Đức Giê-su mặc khải về sứ vụ của Người: “Cứu cái gì đã hư mất” (B. 18,11) và mặc khải về ý định của Chúa Cha: “Không muốn một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất” (B’. 18,14b). Động từ ἀπόληηmι/ hư mất), xuất hiện ở 18,11 và 18,14b, nên B // B’. Hình ảnh “con chiên bị lạc đường” trong dụ ngôn (18,12-13) là “những kẻ bé mọn trong cộng đoàn” và sự kiện “bị lạc đường” được so sánh với tình trạng “hư mất” cần được “cứu”. Hình ảnh con chiên bị lạc ám chỉ những người lầm lạc trong cộng đoàn, có thể họ đang bị sai lạc đạo lý hoặc sai lạc luân lý, mà theo Gutzwiller cho thấy ở đây có ba loại người lầm lạc: người biết mình lầm lạc, người không ý thức mình lầm lạc và những người thản nhiên không biết gì.[6]

  • Phân Tích Đoạn Văn

Trước khi vào phân tích đoạn văn để hiểu hơn nội dung và ý nghĩa bên trong, chúng ta cần làm sáng tỏ một vài từ ngữ cũng như biết rõ hơn về hoàn cảnh thời điểm đó.

Đầu tiên ta cần biết nội dung của Mt 18,12-14: “ Τί ὑμῖν δοκεῖ; ἐὰν γένηταί τινι ἀνθρώπῳ ἑκατὸν πρόβατα καὶ πλανηθῇ ἓν ἐξ αὐτῶν, οὐχὶ ἀφήσει τὰ ἐνενήκοντα ἐννέα ἐπὶ τὰ ὄρη καὶ πορευθεὶς ζητεῖ τὸ πλανώμενον; καὶ ἐὰν γένηται εὑρεῖν αὐτό, ἀμὴν λέγω ὑμῖν ὅτι χαίρει ἐπ᾽ αὐτῷ μᾶλλον ἢ ἐπὶ τοῖς ἐνενήκοντα ἐννέα τοῖς μὴ πεπλανημένοις. οὕτως οὐκ ἔστιν θέλημα ἔμπροσθεν τοῦ πατρὸς ὑμῶν τοῦ ἐν οὐρανοῖς ἵνα ἀπόληται ἓν τῶν μικρῶν τούτων. / Anh em nghĩ sao? Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao? Và nếu may mà tìm được, thì Thầy bảo thật anh em, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc. Cũng vậy, Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kả bé mọn này phải hư mất.”

– Chủ chăn – đàn chiên: hai hình ảnh này, được nói rất nhiều trong Kinh Thánh, ngay cả trong Cựu Ước. Ngay trong St 4,2 đã cho thấy hình ảnh của việc cày cấy đất đai, khởi đầu của lịch sử cội nguồn dân tộc Do-thái. Qua đó, hình ảnh về chủ chăn và đàn chiên, cũng như ý nghĩa bên trong về dân tộc như đàn chiên và Thiên Chúa là chủ chăn của dân tộc đã được nói trong rất nhiều tác phẩm trong Kinh Thánh (Cựu Ước cũng như Tân Ước).[7]   

Một đặc điểm thú vị là dụ ngôn con chiên lạc trong Tin Mừng Mát-thêu cũng như Lu-ca, lại được diễn tả cũng như giải thích rõ hàng về hành động của người mục tử nằm trong Cựu Ước trong Sách Ngôn sứ Ê-dê-ki-en chương 34.[8]

– Một con chiên đi lạc/ το απολωλός πρόβατα: Động từ πλανηθῇ/ lạc lối được chia ở dạng bị động có nghĩa là bị lạc đường. Điều đó cho thấy con chiên không cố tình đi lạc, và bản văn cũng không quy chiếu lỗi cho con chiên. Mạch văn ở đây nối kết với ý tưởng đang nói về các “kẻ nhỏ”, là những con người yếu đuối, dốt nát, đi lạc… Nhất là nơi cộng đoàn, thì những kẻ nhỏ này đang bị khinh và và coi rẻ rúng.[9] Nhưng với Thiên Chúa thì mỗi người đều là duy nhất đối với Thiên Chúa.

– Bỏ 99 con trên núi mà đi tìm…: Trong Sách Ed không đề cập đến con số của con chiên, nhưng Mát-thêu cho thấy Đức Giê-su nhấn mạnh khía cạnh về việc tìm lại con chiên lạc đường (ai cũng có giá trị và ý nghĩa). Ở đây, ta thấy sự tương phản giữa 99 con chiên không đi lạc so với 1 con chiên bị lạc đường (tỷ lệ 1/100). Kế đến là nhấn mạnh ý tưởng không chắc sẽ tìm được con chiên lạc khi dùng kiểu nói: “Nếu may mà tìm được…” (18,13a), nghĩa là không chắc tìm được nhưng vẫn để 99 con chiên lại trên núi để đi tìm con chiên bị lạc. Cuối cùng là đề cao niềm vui khi tìm được con chiên lạc, bằng cách so sánh với 99 con chiên không bị lạc: “Người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc” (18,13b). Rõ ràng, dụ ngôn ám chỉ sứ vụ của Đức Giê-su, Ngài là mục tử đích thực, nhân lành, đến trần gian “để cứu cái gì đã hư mất”.

Cũng cần lưu ý từ “bỏ” ở đây: theo phong tục chăn chiên ở Pa-les-ti-ne “bỏ” có nghĩa  là chiên đã ở trong rào, được an toàn, có người trông giữ rùi mới đi tìm chiên lạc.[10] Và con số 100 theo Hy-lạp là con số nhiều trung tính, nhưng theo người Do-thái khi nói về chiên, cừu là nói số lượng ít. Do đó, ta thấy rõ ám chỉ trong tin mừng mang khía cạnh cộng đoàn.[11]

– Mừng rỡ vì nó…: Nếu so sánh ở điểm này với Tin Mừng Lu-ca, thì Mat-thêu không diễn tả niềm vui quá nhiều như ở Lu-ca (trên trời, ai nấy cũng sẽ vui mừng… x. Lc 15,6-7). Nhưng xem ra lại hợp lý hơn theo cách của con người là vui mừng vì được tìm thấy. Và sự vui mừng cũng nhắc đến trong Ed 33,11: Thiên Chúa không vui gì khi kẻ gian phải chết nhưng vui mừng khi nó biết thay đổi đường lối; hay trong Kn 1,13: Thiên Chúa không làm ra cái chết, nên chẳng vui thích khi ai đó tiêu vong. Sự vui mừng của Mát-thêu cho thấy xem ra là hợp lý, vì con người vui mừng thì chắc chắn Thiên Chúa sẽ mừng vui. Cách dùng từ “cha” cho thấy một sự thân mật của một tình cảm thiêng liêng mà Tin Mừng Mát-thêu muốn nhấn mạnh đến vai trò của người cha (tình phụ – tử) đối với Thiên Chúa, hơn là khía cạnh của Thiên Chúa với con người. Mặc dù Tin Mừng Mát-thêu không phải là Tin Mừng của lòng thương xót như Lu-ca, nhưng khía cạnh của người cha cũng hàm ý nói đến sự thương xót trong tin mừng.

– Không hề có ý để mặc hư đi một người nào trong những kẻ nhỏ này: Đây là một kết quả, để cho những người lãnh đạo, đứng đầu cộng đoàn nhận ra giá trị của việc làm. Bởi đây là ý muốn của Thiên Chúa trước những con người đang bị xa lánh, bỏ rơi…

  1. Thần Học Đoạn Văn

Sau khi phân tích và tìm hiểu về ý nghĩa, cấu trúc trong đoạn văn Mt 18,12-14 nói về một dụ ngôn về con chiên lạc. Tuy rất ngắn gọn, nhưng cũng bao hàm rất nhiều nội dung, ý nghĩa và tư tưởng giá trị. Sau đây, là một vài điểm thần học đáng lưu tâm trong đoạn văn này:

Thứ nhất, trong đoạn Tin Mừng Mt 18,12-14 không đề cao việc làm của những người bé nhỏ, nhưng cho thấy giá trị của họ là duy nhất đối với Thiên Chúa, và Thiên Chúa không bỏ rơi họ. Nhưng ai là những người bé nhỏ? Bé nhỏ ở đây có thể được hiểu theo nhiều nghĩa: tuổi tác, nguyên quán, thân thế, vóc dáng, tài năng, địa vị, sức khỏe, sự trưởng thành, học thức, của cải… Và điều này phải đánh động chúng ta, vì đụng chạm đến chúng ta ở chiều sâu; bởi lẽ ai trong chúng ta cũng « bé nhỏ » trước mặt Chúa và cả trước mặt nhau nữa về một phương diện nào đó. Nhưng thật ra, con người tự bản chất là bé nhỏ rồi, như lời Thánh Vịnh diễn tả: « Con người là chi mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm? (Tv 8). Cũng như, ai trong chúng ta cũng là « tội nhân », trước mặt Chúa và trước mặt nhau. Cảm nghiệm được điều này sẽ chữa lành cách bền vững những tương quan lệch lạc giữa chúng ta với nhau, nhất là thái độ tôn vinh bản thân và coi thường người khác. Và nếu chúng ta cảm thấy mình « lớn lao », thì Chúa mời gọi chúng ta trở nên « bé nhỏ », hay đúng hơn, nhận ra sự thật về mình là bé nhỏ và sống sự thật này trong tương quan với mình, với Chúa và với nhau. Nếu không, sẽ không được vào Nước Trời!

Thứ hai, Dụ ngôn con chiên lạc là một dụ ngôn nhỏ và rất ngắn vỏn vẹn chỉ có 2 câu (12-14). Nhưng giá trị của nó không hề nhỏ bởi qua dụ ngôn là lời giáo huấn mà chính Đức Giê-su đề cập đến vai trò và trách nhiệm của người mục tử. Qua dụ ngôn, Đức Giê-su đề cao một trong những nhiệm vụ của mục tử đích thực là “tìm kiếm những con chiên lạc đường”. Đó là sứ vụ của Đức Giê-su (18,11) và Ngài mời gọi tất cả các mục tử trong cộng đoàn Hội Thánh thi hành sứ vụ này. Dẫn đưa những kẻ lầm đường lạc lối trở về là điều Cha trên trời mong đợi, vì Người không muốn bất cứ kẻ bé mọn nào trong cộng đoàn bị hư mất. Cách cư xử đúng đắn của người mục tử là dành sự ưu ái và tình thương cho những thành viên trong cộng đoàn bị lạc đường. Tuy vậy, dường như trong cộng đoàn Mát-thêu nói riêng và trong cộng đoàn người tin qua mọi thời đại nói chung, “những kẻ bé mọn”, “những kẻ lầm đường lạc lối” vẫn chưa được các mục tử đối xử đúng mức. Ngày hôm nay, giáo huấn của Đức Giê-su vẫn cần được học hỏi và áp dụng vào hoàn cảnh cụ thể của từng cộng đoàn.

Cuối cùng, hình ảnh con chiên lạc trong dụ ngôn hướng chúng ta nhận ra hình ảnh của Thiên Chúa. Chính người chăn chiên ra đi để tìm con chiên lạc, chứ không phải ngồi chờ cho con chiên lầm lạc tự ý trở về. Chúng ta hãy nhớ lại cách Thiên Chúa đi tìm con người trong Sáng Tạo, trong lịch sử cứu độ, và nhất là nơi Đức Giêsu, Con Thiên Chúa nhập thể nơi mầu nhiệm Giáng Sinh mà chúng ta đang hướng về trong những ngày của Mùa Vọng. Thiên Chúa cũng muốn đi vào tương quan tình yêu với từng người trong chúng ta, dù chúng ta ở trong tình trạng nào, tội lỗi hay bé nhỏ. Bởi vì tình yêu chỉ có thể được bày tỏ và được hiểu trong tương quan duy nhất giữa một người và một người. Và chính kinh nghiệm được tìm kiếm, được tha thứ và được tiếp nhận, khi mà chúng ta vẫn là những người tội lỗi, bé nhỏ lạc lối, sẽ giúp chúng ta cũng có thể đi tìm kiếm, tha thứ và tiếp nhận anh em, chị em của chúng ta, dù họ đang trong tình trạng nào.

  1. Kết Luận

Đoạn Tin Mừng Mt 18,12-14 là những lời giáo huấn của Đức Giê-su, và là một thách đố cho các mục tử trong cộng đoàn. Dựa trên giáo huấn của Đức Giê-su: “Chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn” (18,10) và ý của Cha trên trời là “Không muốn một ai trong những kẻ bé mọn phải hư mất” (18,14), người mục tử được Đức Giê-su mời gọi bày tỏ lòng ưu ái và cảm thông đối với những con chiên lạc trong cộng đoàn. Dù con chiên đó cố tình hay vô ý đi lạc, dù con chiên đó lạc đường về đạo lý hay lạc đường về luân lý, người mục tử vẫn được mời gọi lên đường tìm kiếm con chiên lạc. Người mục tử cần ý thức trách nhiệm của mình, để dù cho sự tìm kiếm có khó khăn như trong đoạn Tin Mừng nói “nếu may mắn tìm được” hoặc dù cho “không may mắn tìm được” thì người mục tử cũng cảm thấy vui mừng vì cố gắng làm hết trách nhiệm của mình có thể.

Hình ảnh người mục tử trong Mt 18,12-14 có thể được mở rộng đến mọi thành phần trong cộng đoàn dân Chúa. Trong đó, Đức Giê-su là mục tử duy nhất của đàn chiên. Chính Ngài  đã trao quyền chăn dắt đàn chiên của Ngài cho các môn đệ: Đầu tiên là Nhóm Mười Hai, rồi đến các đấng kế vị Thánh Phê-rô. Ngày nay, ta thấy rõ qua chức vụ Giám mục, các linh mục, là những vị có nhiệm vụ trực tiếp chăn dắt đàn chiên được giao phó. Đồng thời, vai trò mục tử có thể được mở rộng đến những người có trách nhiệm trong cộng đoàn; các bậc phụ huynh trong vai trò giáo dục con cái; các thầy cô, các giáo lý viên trong vai trò giáo dục đức tin. Ngay cả các anh chị lớn đối với các em nhỏ. Nói cách khác, tất cả mọi người được Đức Giê-su mời gọi dành sự ưu ái và tình thương cho “những kẻ bé mọn”, “những kẻ lầm đường lạc lối”.

Quả thực, tình thương là sức mạnh lớn lao có khả năng cảm hoá và làm biến đổi con người, giúp con người sống tốt hơn, sống mạnh mẽ hơn và sống có lý tưởng hơn. Dẫn một con chiên lạc đường trở về, thực sự là một niềm vui lớn lao, và điều này chỉ có thể thực hiện được nhờ những hành động thiết thực và nhờ tình thương. Hai yếu tố nền tảng: “Giáo huấn của Đức Giê-su” và “lòng mến” sẽ hướng dẫn mục tử và những người có trách nhiệm biết ứng xử thích hợp trong hoàn cảnh cụ thể. Hiểu ý nghĩa nội dung đoạn Tin Mừng Mt 18,12-14, người mục tử hay người có trách nhiệm sẽ biết cần làm gì trước hiện trạng “99 con chiên không bị lạc đường” và “1 con chiên đi lạc”. Đây là một thách đố lớn xưa cũng như nay, vì thế lời mời gọi của Đức Giê-su vẫn là những lời mời gọi vô cùng ý nghĩa cho những gì thiết thực của vai trò người mục tử của trần gian và của lòng Chúa ước mong.

[1] X. Kinh Thánh Cựu Ước & Tân Ước, Bd. của Các Giờ Kinh Phụng Vụ, NXB. Tôn Giáo, Hà Nội, 2009, tr.1629, note *18,12.

[2] Sources Chrétiennes N0 259, Saint Jérôme Commentaire sur Saint Matthieu, traduite par Émile Bonnard, Paris: Les Éditions du Cerf, 1979, p.57.

[3] X. Kinh Thánh Cựu Ước & Tân Ước, Bd. của Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Hà Nội: Tôn Giáo, 2009, tr.1580.

[4] X. P. Benoît & M. – E. Boismard, Synopse des quatre Évangile en français, Tome II, Paris: Les Éditions du Cerf, 1972, note 230 et 231, p.294-295.

[5] Ibid., note 178, p.276.

[6] Phêrô Hoàng Minh Tuấn, CSsR, Đọc Tin Mừng Thánh Matthêu, Tập V Chương 15-22, NXB. Tôn Giáo, 2019, 153.

[7] X. Xavier Léon-Dufon, Vocabulaire de Théologie Publique, Paris: Les Éditions du Cerf, 1970, p.917-921.

[8] X. P. Benoît & M. – E. Boismard, Synopse des quatre Évangile en français, Tome II, Paris: Les Éditions du Cerf, 1972, note 230 et 231, p.294-295.

[9] Phêrô Hoàng Minh Tuấn, CSsR, Đọc Tin Mừng Thánh Matthêu, Tập V Chương 15-22, NXB. Tôn Giáo, 2019, tr.152.

[10] X. Phêrô Hoàng Minh Tuấn, CSsR, Đọc Tin Mừng Thánh Matthêu, Tập V Chương 15-22, NXB. Tôn Giáo, 2019, tr.153.

[11] X. Claude Tresmontant, Évangile de Matthieu, Paris: O.E.I.L, 1986, p.232-233.

Để lại bình luận

Đã thêm vào giỏ hàng

0 Scroll
Messenger Messenger
Google Map Google Map
Zalo Zalo
Gọi ngay Gọi ngay