TẠ ƠN KIM KHÁNH TUYÊN HỨA

Lm. JB. Phan Trịnh Long

 

Hôm nay, chúng ta quy tụ nhau nơi đây để chia sẻ niềm vui với 3 chị mừng kim khánh và một chị ngân khánh tận hiến cho Mẹ Maria trong ơn gọi Foyer Phú Dòng.

Có thể nói 50 năm hay 25 năm là một hành trình dài được đan kết với bao nhiêu cố gắng và vất vả, bao nhiêu thăng trầm và biến động, bao nhiêu gian khó và hân hoan; 50 năm hay 25 năm tuy có thể làm nhiều thứ phôi pha, song vẫn còn đó những kỷ niệm khó phai trong ký ức của mỗi con người, thời gian đó thật dài để ghi dấu ấn tình Chúa và tình người không thể phôi phai; 50 hay 25 năm, không chỉ được đo bằng khái niệm của thời gian, nhưng còn bằng những gì mà các chị gặt hái được.

Để rồi, nếu như có ai đó bảo rằng: “thời gian thấm thoát thoi đưa, nó đi đi mãi có chờ ai đâu”, thì ngạn ngữ latinh lại bảo rằng: “Tuy bạn không giữ đước ngày hôm qua, nhưng bạn có cách để không làm mất nó”. Vậy con nghĩ, cái cách để không làm mất đi những tháng ngày qua, thì cần phải có thánh lễ tạ ơn ngày hôm nay.

Trọng kính Cha Cố Antôn, linh phụ Tu Hội Bác Ái Phú Dòng; Cha Giuse, linh phụ Foyer Cao Thái.

Kính thưa các thành viên của 3 Foyer Việt Nam, cùng với quý quan khách gần xa, cùng với quý bà con thân thuộc của các chị mừng lễ hôm nay.

Vì lý do đặc biệt về thời cuộc và lịch sử, trong khuôn khổ bài giảng này, cho phép con chỉ tập trung và chia sẻ về cuộc đời của 3 chị mừng kim khánh mà thôi, rồi mai mốt 25 năm nữa, nếu Chúa cho sống, con sẽ chia sẻ đề mừng Chị Ngân nhiều hơn. Chị Ngân có đồng ý không ạ? Vâng!

Thực ra, ít có cuộc đời xuôi chảy thẳng lối, mà trái lại đời người như dòng suối có ngàn vạn khúc quanh. Khi nhìn lại cuộc đời của 3 chị cao niên mừng kim khánh tận hiến hôm nay chúng ta thấy rõ điều đó.

Này nhé, xuất thân từ những gia đình nghèo vật chất nhưng lại giàu truyền thống đạo đức, Chị Ba thì ở Giáo xứ Dốc Mơ; Chị Thiên và Chị Tịnh thì ở Giáo xứ Võ Dõng. Khi lớn lên cả ba chị đều tham gia vào Hội Con Đức Mẹ, một hội đoàn rất đạo đức, có tinh thần hăng say phục vụ và siêng năng cầu nguyện.

Lúc bấy giờ, Cha Phaolô Võ Văn Bộ, Linh phụ tiên khởi của Foyer Bình Triệu thường xuyên tổ chức những khoá tĩnh tâm và chính Ngài cũng đi giảng tĩnh tâm ở nhiều nơi. Với tài giảng thuyết hùng hồn và ăn nói lợi khẩu, tiếng lành cứ thế đồn xa. Năm ấy, năm 1968, ba chị quyết tâm rủ nhau về Foyer Bình Triệu để cùng tham dự khoá tĩnh tâm. Để rồi, chính trong những ngày tĩnh tâm này, ba chị được đánh động, nhận ra tiếng Chúa thôi thúc mời gọi, ba chị quyết tâm dâng hiến đời mình cho Chúa trong ơn gọi Foyer.

Sau khi ở Cộng Đoàn Bình Triệu được 2 năm, đến năm 1970, ba Chị cùng với các anh chị em khác được sai đến phục vụ ở Cộng đoàn Đồng Lạc – Di Linh dưới sự hướng dẫn của Cha Guy de Reynies thuộc Hội Thừa Sai Paris. Năm năm sau, vào ngày 25/03/1975 ba Chị được tuyên hứa tận hiến đời mình cho Đức Mẹ.

Có một chi tiết đặc biệt để chúng ta thấy sự huyền nhiệm của ơn gọi: “Chúa chọn ai Chúa muốn và chọn lúc nào Ngài thích”. Chị Thiên bị viêm tai giữa gần như bị điếc, hầu như chẳng nghe thấy gì ngay từ tấm bé. Con nói điều này có đúng không hả chị Thiên? Đấy, Chị có nghe thấy gì đâu?

Vâng, bị điếc, bị nặng tai thì khó mà đi tu được! Nhưng đó là tiêu chuẩn của loài người còn Thiên Chúa thì không, Thiên Chúa luôn có lối đi riêng của Ngài như lời Ngài nói: “Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các Ngươi và đường lối của Ta cũng không phải là đường lối của các Ngươi”. “Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con”. Và quả thật Chúa đã chọn Chị bất chấp những bất toàn khiếm khuyết của bản thân. Ngày ấy, cả 3 Chị đều được chọn để tuyên hứa với lời động viên, khích lệ từ Cha Reynies: “Chúng con cứ tin tưởng tận hiến cho Đức Mẹ, để Mẹ che chở giữ gìn”.

Sau khi 3 chị tuyên hứa để tận hiến đời mình cho Mẹ Maria, thì Cha Reynies bị trục xuất về nước, còn các chị bị bắt đi tù ở trại giam Gia Binh – Di Linh.

Người ta vẫn nói “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”. Làm sao kể ra hết được những tủi nhục, những vất vả mà các chị đã phải chịu trong suốt thời gian bị giam giữ cầm tù, bị quản thúc cách này cách khác. Thực ra, chỉ vì bảo vệ các Cha, các linh mục của Chúa, chỉ vì quen biết cha này cha kia mà phải bị cảnh tù tội như vậy.

Trong suốt thời gian 13 tháng tù đày, có những lúc thì bị người ta cùm chân, cùm tay, đeo gông biệt giam trong phòng kín chẳng được thấy ánh mặt trời; lâu lâu thì lại bị đe doạ, thấm vấn lấy cung; cơm ăn hàng ngày là những lát khoai lang, khoai mì phơi không đủ nắng ẩm mốc, kèm theo là mấy con cá cho heo ăn được nướng lên…

Sau hơn một năm ở trong vùng rừng sâu nước độc Di Linh ấy, tưởng người ta tha cho về, nào ngờ một lần nữa, các chị lại bị đưa lên xe bít bùng đưa đi, đưa đi đâu cũng chẳng biết, chỉ sau này hỏi ra mới hay, đó là trại Gia Chánh thuộc vùng dân tộc thiểu số người Tày. Nơi đây, các chị không còn bị giam cầm khổ cực, nghiêm ngặt như trước, vì hơn một năm qua, qua cách sống chứng nhân của người môn đệ, người ta đã tin mình, người ta đã có thiện cảm với mình, nên tại Gia Chánh này, người ta chỉ quản chế bằng cách cho ra ngoài lao động: làm cỏ, làm ruộng, trồng bắp, trồng đậu, trồng khoai, làm vệ sinh, quét dọn, nuôi heo, nuôi gà, chà bắp, chà đậu…

Bây giờ nhìn lại những tháng ngày đã qua, mọi người trong chúng ta và chính các chị tự hỏi nhau rằng? cái gì giúp cho mình có được một sức mạnh nội tâm và một sự kiên cường vững vàng đến như thế? Các chị nhận ra: À, ngoài tà áo Mẹ Maria che chở, yêu thương giữ gìn, thì chính đời sống cầu nguyện liên lỉ và việc được rước Mình Thánh Chúa hầu như hàng tuần. Nhưng câu hỏi đặt ra: Mình Thánh Chúa ở đâu mà rước trong cảnh lao tù như vậy?

Dạ đó là do: Có một Tu sĩ thuộc Dòng Mẹ Đấng Cứu Chuộc bị bắt cùng, và Thầy này được phân công đi chợ hằng ngày, nhân cơ hội đó, Thầy đã liên hệ với các Linh mục bên ngoài và khéo léo đựng Mình Thánh Chúa trong các bao diêm và đưa vào cho các Chị. Rồi các chị cùng nhau chia Mình Thánh Chúa cho mỗi người. Đúng là, Chúa luôn có cách để con cái của mình không bị đói khát nhưng luôn no thoả bằng Lương Thực Thần Lương của Ngài.

Trong thời gian này, có cán bộ nhà nước tận Hà Nội vào thăm, thấy các chị em bị bắt vô cớ, bị đối xử tệ bạc… vì vậy, họ đã ban lệnh tha cho về. Sau khi công bố và nhận được lệnh tha được ghi trên mảnh giấy gói bánh mì, các chị em chỉ kịp gói ghém những vật dụng, đặc biệt là những tượng ảnh và lên đường trở về gia đình. Tâm trạng lúc ấy cũng là tâm trạng của lời thánh vịnh 125 diễn tả: “Khi Chúa dẫn tù nhân Si-on trở về, ta tưởng mình như giữa giấc  mơ. Vang vang ngoài miệng câu cười nói, rộn rã trên môi khúc nhạc mừng… Lạy Chúa, xin dẫn tù nhân chúng con về, như mưa dẫn nước về suối cạn miền Nam. Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng. Họ ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo; lúc trở về, về reo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng”.

Có thể nói, những hạt giống Tin Mừng mà các chị đã gieo trong tù đày suốt hơn 2 năm, đó chính là một đời sống chứng nhân của Người Môn Đệ. Khi được hỏi: Các chị có oán trách những người đã gông cùm chị, đã đối xử tệ bạc với các chị không? Một trong Ba chị trả lời: “Lúc đầu con cũng cảm thấy bực tức lắm, nhưng sau đó con cầu nguyện và nhận ra rằng: Chúa đã dùng họ để thanh luyện con, để tập cho con chấp nhận những gian khổ, có như thế, sau giải phóng con mới sống được cha ạ. Rồi, chính tập sách “Người Lữ Hành trên Đường Hy Vọng” của Đức Cố Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận” gợi hứng cho con. Con nhận ra rằng: Chẳng có ai là kẻ thù của con cả. Khi con bực mình với họ thì con lại cầu nguyện cho họ. Con vẫn cầu nguyện cho những người bắt bớ con. Và đó cũng là lý do con chọn cho mình câu khẩu hiệu của đời dâng hiến: “Tha nhân là quà tặng; vâng phục là bình an. Hiện nay, con sống tuổi già rất là hạnh phúc”.

 Sau thời gian tù đày và quản thúc ấy, các chị được trở về gia đình riêng, nhưng tình chị em, nhưng ơn gọi sống đời cộng đoàn đã thôi thúc, các chị lại tìm đến với nhau quy tụ về một căn nhà của một người dân ở vùng Phương Lâm để cùng nâng đỡ nhau, sinh sống, lao động , cầu nguyện và làm việc bác ái.

Một năm sau, tức là vào năm 1978, các chị lại quy tụ về nơi đây, nơi mảnh đất Phú Dòng này. Nơi đây, Các Chị được Đức Cha Đaminh Nguyễn Văn Lãng, nguyên Giám Mục Giáo Phận Xuân Lộc và Cha Gioa Kim Nguyễn Định là Cha Sở Giáo Xứ Phú Dòng này động viên, giúp đỡ. Các chị đã cùng nhau mua một mảnh đất rộng 1600 m2 (một sào sáu), dựng một căn nhà cấp 4 tạm bợ để cùng nhau sống ơn gọi Foyer. Vạn sự khởi đầu nan, trong những ngày đầu sống ở đây, các chị đã gặp rất nhiều khó khăn từ chính quyền địa phương, đã từng bị những người vác súng tới hăm doạ đuổi đi. Cũng tại nơi đây, Đức Cha Giáo Phận đã cho phép đặt Mình Thánh Chúa trong phòng nguyện để các chị sớm tối cầu nguyện. Và Mình Thánh Chúa vẫn luôn là động lực, là sức mạnh đã giúp các Chị vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách.

12 năm sau, tức là năm 1990, Cha Antôn Trần Văn Bài được Đức Giám Mục Giáo Phận chính thức sai về đây làm Linh Phụ. Cha cùng với các chị em từng bước mua thêm đất đai, xây dựng cơ sở vật chất, để rồi chúng ta thấy Foyer Phú Dòng có được bộ mặt rộng lớn, khang trang, tiện nghi như hiện nay để có cơ hội đón khách tĩnh tâm tốt hơn.

Vâng, “Mỗi bước tiến là một lời cảm tạ, mỗi chặng đường là dấu chứng của tình yêu”. Hôm nay, 3 chị mừng kim khánh tuyên hứa cũng là dịp nhìn lại những chặng đường đã qua, đặc biệt nhìn lại tuổi đời của mỗi người.

Chúa ban cho 3 Chị năm nay đã là U90 – 80 cả rồi. Chị Ba năm nay 87 tuổi; Chị Tịnh 76; Chị Thiên 75. Đây là lứa tuổi mà 3 chị cần phải dâng lời tạ ơn Thiên Chúa. Vì trong thực tế có những người đã chết khi còn trong bụng mẹ. Lại có những người chết khi tuổi đời còn rất trẻ. Chẳng vì thế mà Đỗ Phủ đã nhận định: “nhân sinh thất thập cổ lai hy, người thọ 70 xưa nay hiếm”. Còn lời Thánh Vịnh thì bảo rằng: “Tính tuổi thọ trong ngoài bảy chục, mạnh giỏi chăng là được tám mươi”. Như thế, 70 tuổi đã là hàng hiếm, phương chi lên hàng 80 thì lại càng quý hiếm hơn. Vì thế, đây quả là hồng phúc mà Chúa đã thương ban cách riêng cho Tu Hội Phú Dòng chúng con. Ơ, thế đứng trước hồng phúc Chúa ban như thế mà anh chị em lại không vỗ một tràng pháo tay để chúc mừng nhỉ?

 Kính thưa cộng đoàn, sở dĩ chúng ta phải vỗ tay, phải chúc mừng là bởi vì, khi nói về người cao tuổi, Đức Thánh Cha Phanxicô trong sắc chỉ khai mạc Năm Thánh “Spes non Confundit” mới đây đã nói như thế này: “Những người cao tuổi xứng đáng có được những dấu chỉ của niềm hy vọng. Những người này thường trải qua cảm giác bị bỏ rơi. Cộng đồng Kitô giáo và xã hội dân sự có trách nhiệm trân trọng những người cao tuổi như là những kho báu, trân trọng kinh nghiệm sống, sự khôn ngoan và những đóng góp của họ. Tôi đặc biệt nghĩ đến các ông bà nội ngoại là những người đầy niềm tin và kinh nghiệm sống để trao lại cho thế hệ trẻ”.

Anh chị em có nghe thấy rõ không? Đức Thánh Cha Phanxicô gọi “Những người cao tuổi là những người đầy niềm tin, đầy kinh nghiệm sống và là những kho báu”. Nếu vậy thì cho con hỏi, hiện nay trong các Foyer Việt Nam chúng ta thì Foyer nào nhiều kho báu nhất ạ? Riêng Foyer Phú Dòng nhà chúng con có tới 4 kho báu. Còn các Foyer khác, xin hỏi Bình Triệu mấy ạ? Cao Thái bao nhiêu ạ?

Ô, nếu mà như vậy, thì các Foyer Việt Nam chúng ta thật là giàu có, chúng ta có nhiều kho tàng, nhiều kho báu trong chính cộng đoàn mình. Vậy, chả lẽ chúng ta lại quên vỗ tay à!

Thế thì khi sở hữu những kho báu như thế, chúng ta phải làm gì? Đức Thánh Cha nhắc nhở mỗi người, đặc biệt nhắc các thế hệ trẻ như thế này: “Mong sao những người cao tuổi được nâng đỡ với lòng biết ơn của các con, các cháu, những người tìm thấy nơi họ một chỗ dựa, niềm cảm thông và sự khích lệ”.

Và có một điểm con thấy rất là thích nơi Đức Thánh Cha, đó là Ngài không chỉ gọi các cụ cao tuổi là kho báu mà trong thông điệp Ngày Quốc tế Ông Bà và Người Cao Tuổi năm 2022, Ngài còn  khẳng định thế này: “tuổi già là tuổi bước vào một cái mùa sinh sôi nảy nở nhiều hoa trái.”

Anh chị em thấy có lạ không? Tuổi già là tuổi khô héo. Vậy mà Đức Thánh Cha lại nói: “Tuổi già là tuổi bước vào một mùa sinh sôi nảy nở đầy hoa cái”. Thực ra, đây là điều không hề phi lý, bởi vì tư tưởng này đã được gợi hứng từ chính trong (Tv 92): “Người công chính vươn lên tựa cây dừa tươi tốt, lớn mạnh như hương bá ly băng, được trồng nơi nhà Chúa, mơn mởn giữa khuôn viên đề thánh Chúa ta. Già cỗi rồi vẫn sinh hoa kết quả, tràn đầy nhựa sống, cành lá xanh rờn”.

Thật vậy, trong Kinh Thánh, tuổi già mới là độ tuổi chín mùi của hy vọng. Bởi vì, phải sống đủ lâu đủ dài thì con người ta mới thấy được niềm hy vọng của mình nơi Thiên Chúa thành hiện thực. Chẳng hạn như, tổ phụ Áp-ra-ham, khi được Chúa gọi lên đường rời bỏ quê cha đất tổ khi đó đã là 75 tuổi. Rồi khi Isaác được sinh ra, năm đó Áp-ra-ham đã gần 100 tuổi. Đó là độ tuổi đủ lâu, đủ dài, đủ chín để Áp-ra-ham thấy được niềm hy vọng của mình vào lời hứa của Thiên Chúa thành hiện thực. Hay như Mose, vị thủ lãnh của dân chúa khi được gọi và trao ban sứ mạng dẫn đoàn dân của mình rời khỏi Ai Cập, băng qua biển đỏ để tiến về đất hứa, lúc đó Moses đã 80 tuổi. Đó là độ tuổi dày dạn kinh nghiệm được Thiên Chúa tin tưởng. Thế nên, phải đủ già, phải đủ chín muồi thì người ta mới thấy được giá trị của niềm hy vọng nơi Thiên Chúa thành hiện thực.

Hôm nay, quy tụ về đây tham dự thánh lễ tạ ơn của các chị,  chúng ta thấy không trống, không  kèn, cũng chẳng tưng bừng, tươi vui, nhộn nhịp như các lễ Tiên Khấn và Vĩnh Khấn, hay những lễ mở tay của các tân linh mục, nhưng nó mang một dáng vẻ thâm trầm của những nhân chứng Đức Tin và Lịch Sử. Tấm lưng của các chị mừng kim khánh hôm nay không còn thẳng thớm như ngày xưa, đôi chân của các chị cũng không còn nhanh nhẹn vững vàng mà phải được nâng đỡ từ những chiếc gậy hay những chiếc xe lăn; đôi vai của các chị đã có phần nghiêng ngả xiêu vẹo bởi những gánh nặng của cuộc đời; giọng nói đã nhễu nhão; răng đã rụng; đôi mắt đã mờ đục, mái tóc đã bạc màu theo thời gian năm tháng…, nhưng, nơi các chị vẫn bật lên một sức mạnh nội tâm, vẫn ngời sáng lên lòng trung tín và can đảm bởi vì “vàng thử lửa, gian nan thử sức”.

Vâng, sở dĩ như thế là bởi vì các chị đã được Chúa kêu gọi từ năm 18 đôi mươi, đến nay, sau 50 năm đi theo Chúa trên mọi nẻo đường, các chị lại cùng với nhau dâng lời tạ ơn Thiên Chúa nơi nhà nguyện thân thương này như lời bộc bạch của linh mục Trăng Thập Tự: “Ngày xưa Chúa gọi con đi, bây giờ Chúa bảo con quỳ xuống đây”. Con quỳ xuống đây để thân thưa với Chúa rằng:

Từ độ thanh xuân lạy Thiên Chúa

Ngài đã quyến rũ con, đưa con vào cuộc tình

Lòng kề lòng Chúa và con

Ôi ân huệ tình yêu tuyệt mỹ.

Lạy Chúa, năm mươi năm đời con dâng hiến Chúa

Năm mươi năm chuỗi ngày Hồng Ân

Giờ đây, con xin hết lòng cảm tạ ơn Chúa

Vì Ngài thương con như biển như trời

Vì Ngài thương con không bờ không bến

Chúa ơi! Con biết lấy gì mà đáp đền

Con biết lấy gì mà đền đáp Chúa suối đời con.

 

Cuộc đời con nay đã xế bóng

Lạy Chúa chớ bỏ con, con tin cậy vào Ngài

Trọn cuộc đời con vịnh ca

Kính dâng Ngài tình yêu tuyệt mỹ.

Vâng, mừng lễ 50 năm tuyên hứa của 3 chị, đúng ra con phải giảng 50 phút thì nó mới đáng đồng tiền bát gạo, thì nó mới thoả đáng, nhưng con lại sợ, nếu mà giảng 50 phút thì lát nữa sau lễ mọi người xúm lại ném đá con chết, không chừng lại không cho ăn cơm trưa… Thế cho nên, cho phép con dừng lại ở đây, dừng ở đây với một lời cầu nguyện của Cha Perico, một lời cầu nguyện rất hay như là một lời cầu chúc đến 3 chị:

Lạy Chúa xin dạy con biết cách già như một người kitô hữu. Xin thuyết phục con rằng: người ta chẳng hề bất công khi cất khỏi con mọi trách nhiệm, khi chẳng còn ai tìm đến hỏi ý kiến của con, khi một người khác được đặt vào chỗ vốn là của con trước đây. Xin hãy tước khỏi con niềm tự hào với những kinh nghiệm đã thuộc về quá khứ. Xin hãy cất khỏi con cảm giác rằng con là người bất khả thay thế.

Ôi lạy Chúa! Ước gì qua sự mất mát từng ngày đối với những phù hoa vật chất, con nhìn ra được quy luật của thời gian và nhận ra cuộc đời con vẫn đang diễn tiến từng ngày dưới sự thôi thúc của một bàn tay quan phòng kỳ diệu.

Lạy Chúa! Xin hãy giúp con để con vẫn còn hữu ích với người khác, nhất là những người đang gánh vác nhiều trách nhiệm, bằng sự lạc quan và lời kinh nguyện, bằng sự vui tươi và nhiệt huyết sống. Xin kết nối con vào cuộc đời, giữa một thế giới không ngừng đổi thay, bằng thái độ sống khiêm tốn và thanh thản, mà không cần phải ca thán vì những gì đã qua.

Xin dạy con biết chấp nhận bước ra khỏi sân chơi của cuộc đời, như con đã từng thản nhiên đón nhận khi những buổi hoàng hôn lịm tắt. Con cũng cầu xin Chúa tha thứ, nếu mãi đến lúc này, những buổi chiều tà xế bóng, con mới nhận ra Chúa đã yêu con đến dường nào. Xin Chúa tiếp tục dạy con biết nhìn ngắm phúc phận của đời mình, với một lòng biết ơn sâu xa, phúc phận mà Chúa đã chuẩn bị cho con, và không ngừng dẫn bước con tiến về, khởi từ giây phút đầu tiên của cuộc đời con.

Lạy Chúa, xin dạy 3 chị của chúng con biết cách già như thế.

Messenger Messenger
Google Map Google Map
Zalo Zalo
Gọi ngay Gọi ngay