Thiên Chúa và “Huyền Nhiệm Đau Khổ” theo Sách Gióp

Dẫn nhập

          Đau khổ, một vấn đề của kiếp nhân sinh mà chẳng ai có thể tìm ra câu trả lời cách thấu đáo. Đây còn là bài toán mà cho đến tận ngày nay người ta vẫn đang đi tìm lời giải đáp. Tuy sống trong niềm tin vào Thiên Chúa và biết đau khổ là mầu nhiệm, nhưng nhiều người vẫn đặt câu hỏi: Thiên Chúa ở đâu khi tôi đau khổ? Tại sao Thiên Chúa để sự dữ tồn tại?[1]

          Sách Gióp là một áng văn chương kiệt tác trong phong trào khôn ngoan miền Cận Đông cổ,[2] dưới hình thức đối thoại, bàn về sự báo oán cũng như quan niệm thưởng phạt. Sách Gióp không phải là một khảo luận lý thuyết về vấn đề đau khổ đối với người vô tội, nhưng kể lại kinh nghiệm của một người công chính tên là Gióp, đã chịu nhiều thử thách, nhưng vẫn trung kiên với Thiên Chúa đến cùng. Như một cuốn phim có hậu, Thiên Chúa đã ban thưởng hậu hĩnh cho ông, người đã trung thành với Thiên Chúa.[3]

          Để có cái nhìn sát thực hơn về vấn đề đau khổ của người công chính, cũng như cái nhìn của ông Gióp về Thiên Chúa khi đối diện với đau khổ, người viết xin trình bày về chủ đề Thiên Chúa và huyền nhiệm đau khổ trong sách Gióp.

  1. Thiên Chúa và sự đau khổ theo sách Gióp
  2. Sự đau khổ của nhân vật chính của sách Gióp

          Sách Gióp được lấy tên của nhân vật Gióp trong sách. Tuy là một nhân vật hư cấu, nhưng là một nhân vật kiểu mẫu về người công chính gặp đau khổ. Nhân vật ông Gióp được tác giả xây dựng trong tác phẩm rất hoàn hảo. [4] Ông là người giàu có và sống mẫu mực công chính, sống vẹn toàn và ngay thẳng, kính sợ Thiên Chúa và lánh xa điều ác (x. G 1,1). Ông quan tâm con cái sống trong đường lối của Chúa (x. G 1,5). Ông Gióp chịu hoạn nạn nhưng vẫn trung tín với Thiên Chúa (x. G 1,13-22). Mặc dù đớn đau trong tinh thần như con cái chết, bị vợ bỏ, bạn bè khinh; nơi thể xác (ghẻ lở, mụn nhọt, hôi thối, tài sản mất hết), nhưng ông Gióp vẫn yêu mến trung thành với Thiên Chúa. Gióp tự nhận mình là công bình (x. G 30, 25-26; 32,1; 33,9), tuy nhiên cuối cùng ông đã ăn năn (x. G 42,6). Nhờ sự khiêm tốn và trung thành của Gióp, nên Thiên Chúa đã ban thưởng cho ông (G 42,10-17).

          1.2 Nguyên nhân dẫn đến chuỗi ngày đau khổ của Gióp

          Sự đau khổ mà ông Gióp phải chịu theo sách Gióp miêu tả là do nguyên nhân:

          Thứ nhất: Satan ganh tị. Satan ganh tị với Gióp khi ông được Thiên Chúa ca ngợi là một con người vẹn toàn và ngay thẳng, kính sợ Thiên Chúa và lánh xa điều ác, vẫn kiên vững khi gặp thử thách (x G 1,8; 2,3).

          Thứ hai: Thiên Chúa cho phép Satan làm điều đó. Ở chương 1 và chương 2, tác giả trình bày cho chúng ta cuộc đối thoại ngắn giữa Thiên Chúa và Satan. Qua đó để chứng thực về Gióp, người tôi tớ sống công chính và luôn trung tín, Thiên Chúa đã cho phép Satan ra tay hành động khi y thỉnh cầu, ngoại trừ lấy tính mạng của Gióp (x. G 1,6-12; 2,2-8).

          1.2 Những đau khổ mà ông Gióp phải chịu

          Qua sự cho phép của Thiên Chúa, nên ông Gióp đã gánh chịu sự ra tay hành hạ của Satan. Ông Gióp, từ một người giàu có nhất ở phương đông, lắm bạc vàng, tôi tớ và gia súc (x. G 1,3) đã trở thành một người vô sản (x. G 1,14-17). Ông từng hãnh diện vì mình là người được Thiên Chúa yêu thương và chúc phúc khi có mười người con, nhưng vì sự dữ đến từ thiên nhiên, qua bàn tay của Santan đã cướp đi tính mạng của tất cả con cái ông. Tới lượt ông, sự dữ đã xâm chiếm chính cơ thể của ông: bị ung nhọt, lở loét và đau đớn (x. G 2,8). Với quan niệm của người Do-thái thời xưa là, người sống công chính sẽ được Thiên Chúa chúc phúc qua của cải vật chất, qua việc sinh con đàn cháu đống; còn ai sống bất lương, kẻ tội lỗi sẽ bị Thiên Chúa giáng phạt.[5] Như thế, tình cảnh của Gióp lúc này đây chính là hệ quả của đời sống tội lỗi của ông chăng?. Ông Gióp đau khổ lắm, vì ông thấy mình sống luôn ngay thẳng trước mặt Thiên Chúa, không phạm tội lỗi với Thiên Chúa và với tha nhân. Bà vợ ông, người bạn đời lại xúi dục ông quở trách Đức Chúa và kêu ông chết đi cho rồi (x. G 2,9). Các bạn bè nghĩa thiết đến chia buồn, nhưng họ lại cho rằng vì ông đã phạm tội gì đó nên mới bị như vậy; các luận cứ họ đưa ra với một ý niệm rằng Thiên Chúa là Đấng Công Bình: “Có ai vô tội mà phải tiêu vong? Có nơi nào người công chính lại bị hủy diệt?” (x. G 4,7-8). Những lời đó làm cho ông càng thêm đau đớn hơn. Có thể nói, sự đau khổ về tinh thần và thể xác của Gióp được tác giả đẩy lên ngày một cao hơn, nó có thể dìm chết và đánh gục con người ta, nhất là con người tốt lành như Gióp. Vậy Gióp có ngã gục không? Thái độ của ông khi đối diện với đau khổ như thế nào? Chúng ta cùng tìm hiểu phần kế tiếp.

          1.3 Thái độ của ông Gióp trước vấn nạn đau khổ

          Tác giả miêu tả ông Gióp khi đứng trước những đau khổ thì cũng có những cung bậc cảm xúc rất con người. Nhưng tại sao Gióp lại là một kiểu mẫu về người công chính chịu đau khổ? Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta nhìn vào thái độ của ông sau đây:

          Ông Gióp thực sự không đồng quan điểm trước những lời lý giải của ba người bạn về nguyên nhân đau khổ. Gióp ý thức mình không đáng phải chịu hình phạt như vậy và muốn minh chứng những việc lành ông đã làm với Thiên Chúa (x. G 13,3).

          Ông Gióp tố cáo Thiên Chúa đã coi ông như kẻ thù (x. G 13,24), đã bắn mũi tên vào ông (x. G 6,4). Gióp thổn thức và đau khổ khi Thiên Chúa dựng nên ông, rồi chính tay Người lại diệt trừ ông (x. G 10,8). Gióp chất vấn Đức Chúa rằng Ngài có thật là Đấng nhân từ và công bình? (x. G 13,26-27). Ông muốn có người làm chứng một khi ông ra hầu tòa (x. G 16,19.21). Ông hy vọng một Đấng bênh vực (x. G 19,25-27) sẽ bênh vực ông nơi thân xác ông (x. G 13,15-16; 23,7.10), sẽ cho ông được phục hồi (x. G 29).  

          Dù bị đau khổ thì Gióp vẫn bộc lộ khí chất của một con người đầy lòng tin tưởng vào Thiên Chúa. Một con người vẹn toàn, luôn sống ngay thẳng và kính sợ Thiên Chúa. Trong tất cả mọi sự ông luôn ca tụng Thiên Chúa và tuyên xưng đức tin son sắt của mình (x. G 1, 21-22). Ông Gióp bị sự dữ dày xéo trên chính bản thân mình, với những mụn nhọt từ chân lên đến đầu. Bà vợ của ông thì lại xúi dục ông quở trách Đức Chúa. Thế nhưng ông liền mắng vợ là mụ điên và có lời tuyên bố đầy xác tín vào Thiên Chúa: “Chúng ta đón nhận điều lành từ Thiên Chúa, còn điều dữ, lại không biết đón nhận sao?” (G 2,10). Đó là niềm xác tín của ông về Thiên Chúa, Đấng luôn quan phòng và hiện diện trong cuộc sống của ông.

          Mặc dù ông tố cáo Thiên Chúa đã phủ nhận sự công chính của ông, đối xử tàn nhẫn với ông, thế mà ông vẫn tin tưởng là Thiên Chúa nghe lời ông nói (x. G 23,3-6). Và ở những chương cuối của cuốn sách, sau khi nghe ông Êlihu (một người bạn khác nữa của Gióp đã ngồi lắng nghe cuộc tranh luận từ đầu đến cuối của Gióp và ba người bạn) lên tiếng bênh vực Thiên Chúa, và Người xuất hiện giữa cơn bão táp trả lời cho ông Gióp, ông Gióp mới choàng tỉnh và sấp mình thống hối ăn năn vì đã trót phạm đến Thiên Chúa (x. G 42,5-6).

          Như thế, ta có thể nói rằng, Gióp đã trải qua biết bao cung bậc cảm xúc của cuộc sống, cùng với đó là sự đau khổ tột cùng. Thế nhưng cuối cùng, Gióp đã cung kính sấp mình phục lạy quyền năng cao cả của Thiên Chúa trong công trình tạo dựng của Người, và lòng đầy tin tưởng vào Thiên Chúa, Đấng luôn quan phòng cuộc đời ông. Ông đã thống hối ăn năn và đã được Thiên Chúa thưởng công bội hậu. Nhìn lại hành trình đức tin và đau khổ của ông đã chịu, thì Gióp xứng đáng là kiểu mẫu cho vấn đề người công chính chịu đau khổ.

  1. Thiên Chúa và sự đau khổ

          Đứng trước vấn đề đau khổ, thật chẳng dễ tìm được câu trả lời thỏa đáng, nhưng  ngang qua những kinh nghiệm đau khổ của Gióp, ta có thể thấy được ý định của Thiên Chúa và sự đau khổ, nổi bật qua vài điểm sau:

  1. Thinh lặng

          Sự thinh lặng của Thiên Chúa làm Gióp cảm tưởng như bị Thiên Chúa bỏ rơi. Đó là một nét rất người của Gióp và của chính chúng ta nữa. Sự thinh lặng của Thiên Chúa đã làm cho Gióp phần nào thiếu kiên nhẫn. Nhưng, Ngài không để Gióp bơ vơ, vì trước khi tai họa ập đến, Ngài đã dặn Satan không được đụng đến sinh mạng Gióp. Và chính trong những lúc thinh lặng của Gióp đã giúp ông tìm được những ánh sáng niềm tin vào Thiên Chúa.[6] Đặc biệt qua Lời Đức Chúa phán dạy, Ngài đã làm ông bừng tỉnh và đón nhận ra ý định của Ngài.

  1. Thiên Chúa luôn đồng hành với con người

          Nhìn thấy Gióp đau khổ, Thiên Chúa không can thiệp ngay. Ngài vẫn chăm chú dõi theo Gióp, âm thầm nâng đỡ tinh thần, và vực dậy lòng tin nơi Gióp. Thiên Chúa, Ngài chờ đợi nơi Gióp tôi tớ trung thành sự tín trung và một lòng tín thác vào Ngài. Qua cơn đau khổ, Gióp vẫn thể hiện được sự công chính nơi con người của mình, tuy có đôi lúc Gióp hơi thiếu khôn ngoan và tỏ ra kiêu ngạo một chút. Nhưng Thiên Chúa đã chứng nhận con người của Gióp, Ngài mừng vui vì Gióp không ngã ngục. Câu chuyện kết thúc có hậu khi Thiên Chúa ban thưởng cho Gióp, người tôi trung của Thiên Chúa.

  1. Đau khổ, sự huyền nhiệm và bài học nơi Gióp
  2. Nguyên nhân đau khổ[7]

          Cựu Ước trình bày nhiều nguyên nhân dẫn đến sự đau khổ: thương tích thể xác (x. St 34,2; Gs 5,8; 2Sm 4,4); tuổi già bệnh tật (x. St 27,1; 48,10); tội lỗi gây ra (x. Cn 13,8; Is 3,11; Hc 7,1), nhất là tội nguyên tổ (x. St 3,14-19); tai họa do tội (x. St 12,17; 42,21; Gs 7,6-13); và nhất là cái chết (x. G 21,28-33; Am 5,19).

          Luận điểm này của các ngôn sứ đã dẫn đến những hậu quả khá nghiệm trọng: những kẻ tội lỗi cho rằng không có Đức Chúa, vì nếu có thì Ngài đã phạt họ rồi (x. Tv 10,4; 14,1); hoặc nếu có Thiên Chúa thì Ngài hành động thật không phải và cũng chẳng tốt lành gì, thế nên vợ của ông Gióp mới phản ứng gay gắt: “Hãy nguyền rủa Thiên Chúa” (G 2,9).

  1. Đau khổ sự huyền nhiệm và bài học nơi Gióp

          Đau khổ là chủ đề chính trong các cuộc tranh luận giữa ông Gióp và những người bạn của ông. Với cái nhìn phổ thông lúc đó thì đau khổ là hình phạt do tội (x. G 4,7-9; 11,4-6) thì không thể có chuyện người công chính và vô tội lại phải chịu đau khổ.[8] Thế nhưng sách Gióp đã cho người ta cái nhìn mới về sự đau khổ:

          Thứ nhất, có những đau khổ không bởi tội lỗi mang đến cho con người.[9] Đọc sách Gióp ta nhìn thấy rõ nguyên nhân về vấn đề đau khổ đến với ông (x. G 1,6-12; 2,2-8).

          Thứ hai, đau khổ là một huyền nhiệm vì con người sống với nó, hít thở trong nó, không thể tách rời nó nhưng không thể hiểu nó. Vì thế, con người chúng ta không thể hiểu và không nhất thiết phải hiểu. Cái quan trọng, chính là Niềm Tin của ta. Niềm Tin của ta có kiên vững được như Gióp trong câu chuyện. Thánh Augustinô nói rằng: “Thiên Chúa, nếu chúng ta hiểu được Ngài thì Ngài đâu còn là Thiên Chúa”.[10]

          Thứ ba, đau khổ của ông Gióp là phép thử lòng tin của ông, mà qua đó ông sẽ mạnh mẽ hơn (x. G 5,17-18; 36,15). Đôi khi Thiên Chúa thử thách chúng ta, nhưng Ngài luôn ban cho chúng ta ân sủng để chúng ta vượt thắng và biết cách lớn lên trong tình yêu, vốn là ý nghĩa tối hậu của sự tốt lành. Vì Thiên Chúa theo dõi mọi hành vi cử chỉ (x. G 7,17.17-20 ; 10,3-7.13 ; 13,25-27) để trả lại cân xứng cho mỗi người (x. G 4,17-19 ; 15,14-16).[11]

          Cuối cùng, mặc dù chúng ta không thể hiểu được hết ý nghĩa của đau khổ, nhưng khi chúng ta đối diện với đau khổ bằng một niềm xác tín và trung thành với Thiên Chúa, thì điều này không bao giờ là vô nghĩa, bằng chứng là Gióp đã được Thiên Chúa ban thưởng gấp nhiều lần so với những gì đã mất (x. G 42,7-17).

          Kết luận

          Cho đến hôm nay, đau khổ và sự dữ vẫn là thực trạng bi thảm của con người. Nó hiện diện trong đời sống của mỗi người theo những cách thế và những phương diện khác nhau. Ta không thể làm nó biến mất khỏi thế giới của riêng ta hay của toàn thế giới. Ai cũng muốn sống một cuộc sống hạnh phúc, thế nhưng, đối diện với thực tế, ta thấy không bao giờ được như ta ước mơ. Con người càng tiến bộ và phát triển thì không đồng nghĩa là đau khổ sẽ giảm xuống. Vẫn còn đó sự chênh lệch giàu nghèo, bệnh tật, chiến tranh, khủng bố, thiên tai…v.v. Nhìn thực tế là nơi đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành, chiến tranh giữa Nga và Ukraina làm biết bao người vô tội phải chết. Quả thực, có quá nhiều sự dữ xảy đến cho con người mà ta không thể kể hết được và nó đã đem lại cho con người muôn vàn đau khổ.

          Hành trình đau khổ của Gióp cho ta nhiều bài học về niềm tin của ông với Thiên Chúa. Hành trình của chúng ta hôm nay không chỉ đơn giản là kiếm tìm lời giải đáp cho vấn nạn đau khổ – thưởng phạt. Nhưng cần thiết hơn, ta phải trở nên  “người tôi trung đau khổ ”, dám chấp nhận nghịch cảnh để sống cho Thiên Chúa và cho những người xung quanh.

DOMINIQUE NGUYEN

[1] X. Vincent Lê Phú Hải, OMI, Gióp Chuyện Người Vô Tội Đau Khổ, (Đồng Nai: Đồng Nai, 2020), tr.7.

[2] X. Nguyễn Đình Chiến, “Tìm Kiếm Thiên Chúa”, (Giáo trình, Tp. HCM: Học viện Đa Minh, 2021), tr.144.

[3] Ibid.

[4] X. Nguyễn Văn Khảm, “Kinh Thánh 100 Tuần, Tuần 64 – Sách Gióp Chương 1-28” Kinh Thánh 100 Tuần. Truy cập ngày 08-04-2022, https://www.youtube.com/watch?v=vrLLuofFM6E&list=PLBcdESDqO2Kl_jvI4PqDod4Q5Gv-i7g-n&index=60&t=1647s.

[5] X. Inhaxiô Nguyễn Ngọc Rao O.P, “Tìm Hiểu Các Sách Giáo Huấn”, (Giáo trình môn Kinh Thánh lớp bồi dưỡng liên tu sĩ 1996), tr.13.

[6] X. Jean Lévêque, Job ou le drame de la foi (Paris: Les éditions de cerf, 2007), tr.274.

[7] X. BTT, “Thiên Chúa Và Sự Đau Khổ Theo Sách Gióp”, Đề Tài Nghiên Cứu. Truy cập ngày 11-04-2022, https://vinhson.net/thien-chua-va-su-dau-kho-theo-sach-giop.html.

[8] X. Hoàng Văn Doãn, O.P, Les sen de la soufrance dans le livre de Job, (Paris: Letouzey et ané, 1944), tr.7.

[9] X. Inhaxiô Nguyễn Ngọc Rao O.P, “Tìm Hiểu Các Sách Giáo Huấn”, (Giáo trình môn Kinh Thánh lớp bồi dưỡng liên tu sĩ 1996), tr.13.

[10] X. Vạt Nắng Cuối Chiều, Lăng Kính Cuộc Đời (Đồng Nai: 2020), tr.193.

[11] Inhaxiô Nguyễn Ngọc Rao O.P, “Tìm Hiểu Các Sách Giáo Huấn”, Sđd, tr.18.

Để lại bình luận

Đã thêm vào giỏ hàng

0 Scroll
Messenger Messenger
Google Map Google Map
Zalo Zalo
Gọi ngay Gọi ngay